Những Nhân Vật Chính Đáng Ghét Trong Truyện Bách Hợp

Bài viết là quan điểm cá nhân, hoan nghênh bàn luận và góp ý.

1. Nhan Tịch trong Lưu Ly Nguyệt: Nếu đã đọc qua bài viết Viết Cho Lâm Nhược Nhiên Của Diệp Sáp ở wordpress này, hẳn bạn đọc có thể nhìn ra Nhan Tịch là nhân vật chính Bách hợp đầu tiên bị tôi ghét. Tôi sẽ không lặp lại bài viết một lần nữa, mà sẽ tóm lại lý do tôi ghét nhân vật này qua vài câu. Nhan Tịch không chỉ bị ghét do tính cách, sự lựa chọn cũng như cách xử lý mâu thuẫn của mình với các nhân vật khác trong truyện, mà hơn tất cả là mối quan hệ với nhân trung tâm Lâm Nhược Nhiên. Ngoài ra, tôi còn cho rằng Diệp Sáp xây dựng nhân vật này với quá nhiều lỗ hổng, thiếu đi tính thuyết phục để độc giả hài lòng. Nhân vật như Nhan Tịch lại được hai nhân vật vô cùng ưu tú dành trọn cuộc đời để che chở? Có chăng đó cũng chỉ là tiểu thuyết mà thôi. Thực tế ngoài đời, con người có yêu thương, có bao dung đến mấy cũng sẽ có cả sự ích kỷ và vụ lợi. Kiếm được một người hy sinh nhiều như Lâm Nhược Nhiên cho Nhan Tịch đã là khó, lại có thêm một Claire nữa, chỉ sợ xác suất thực tế của câu chuyện chưa đến 30%.

2. Tần Hàm Lạc trong Vị Chanh Bạc Hà: Khác với Nhan Tịch, nhân vật Tần Hàm Lạc trong tình yêu được nhiều người hài lòng hơn. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu của câu chuyện, cách Tần Hàm Lạc đối xử với Giản Hân Bồi đã khiến độc giả phải ghen tị. Song, câu chuyện của Tần Hàm Lạc và mối tình tay ba với hai cô gái Giản Hân Bồi và Mễ Tiểu Nhàn về sau lại khiên độc giả dần không còn cảm tình với nhân vật này. Ở đây, tôi cho rằng một phần cũng là do cách xây dựng nhân vật quá đời của Quãng Lăng Tán Nhi (hay Nghiễm Lăng Tán Nhân). Tần Hàm Lạc có sự mãnh liệt, yêu có hi sinh, có chiều chuộng, có bao dung. Song, ở nhân vật này càng có nhiều hơn sự bốc đồng, non trẻ, và sự ghen tuông dẫn đến thiếu tin tưởng và mất niềm tin ở người mình yêu. Tất nhiên, ngoài nhân tố chủ quan lẫn khách quan, Giản Hân Bồi và sự bốc đồng của cô cũng gián tiếp xây dựng tính cách cho nhân vật Tần Hàm Lạc này, để rồi câu chuyện của họ càng dần đi vào bế tắc. Mặc dù ở giai đoạn sau, tác giả cho Mễ Tiểu Nhàn xuất hiện như một vị thánh, gần như mọi phán đoán và cách hành xử đều khôn khéo và trưởng thành, song, có chăng đó cũng chỉ là tiểu thuyết hóa một hình tượng. Thực tế mà nói, có mấy ai được như cô bé Tiểu Nhàn này trong đời sống lẫn tình cảm? Tôi cho rằng là số hiếm chỉ tồn tại trong tiểu thuyết mà thôi.

Bởi vì Vị Chanh Bạc Hà đã bị tôi liệt vào danh sách những truyện không nên đọc lần 2, nên chi tiết và cụ thể hóa lý do tôi ghét nhân vật Tần Hàm Lạc bản thân tôi cũng không còn nhớ rõ. Điều duy nhất tôi có thể viết là với tôi, cái kết tốt nhất cho câu chuyện này chính là để cả ba nhân vật không ai về với ai, bởi như vậy sẽ công bằng hơn cho cả ba, và cho Tần Hàm Lạc một sự trừng phạt đáng với sự bốc đồng của cô.

3. Lạc Dịch trong Truyện Kể Trong Câu Chuyện: đây là câu chuyện bán thực văn đầu tiên tôi đọc mà bực bội đến căm ghét nhân vật chính đến thế. Ở đây, xin giải thích thêm tại sao tôi lại gọi tác phẩm là bán thực văn. Câu chuyện này được Dịch Bạch Thủ kể lại dựa trên một chuyện có thật. Tác giả dùng ngôi thứ nhất để kể, song nhân chính lại không phải là tác giả. Dựa vào mối quan hệ của tác giả và hai nhân vật chính, có thể thấy được, câu chuyện dù là có thật, nhưng được kể phần nhiều là do cái nhìn chủ quan của người viết, thành ra tính cách và tình tiết truyện đôi lúc sẽ có sự thiên vị đối với một nhân vật nào đó. Tuy nhiên, ở bài viết này, tôi sẽ không đánh giá ngòi bút của Dịch Bạch Thủ, mà chỉ đi sâu vào giải thích lý do mình ghét Lạc Dịch cũng như phân tích cụ thể những lý do này mà thôi.

Luôn tìm cách ghép đôi Ninh Hải với người khác: Tôi không hiểu tại sao nhân vật này lại làm như vậy? Ngay cả Ninh Hải cũng hơn một lần từ chối sự “hảo tâm” này, mà Lạc Dịch lại hết lần này đến lần khác mắc phải, dù cố ý hay vô tình. Ở đây, dù lý do là gì đi nữa, đều cho thấy Lạc Dịch không hề coi trọng cảm xúc của Ninh Hải, chỉ muốn tìm lý do để trốn tránh tình cảm của mình, dẫu rằng điều đó có thể gây thương tổn cho người mình yêu.

Lần đầu gần gũi, sau khi xong đã bỏ chạy: mặc dù sau đó, tác giả dành một đoạn dài phân tích nội tâm Lạc Dịch, song lại không thể giải thích lý do cho hành động gần như vô trách nhiệm này. Bản thân sự việc này về sau tạo thành bóng ma trong lòng Ninh Hải, khiến cô luôn không vui mỗi lần nhắc đến việc này. Tôi cho rằng đây là điểm chí mạng trong quan hệ của Lạc Dịch và Ninh Hải. Dù là với lý do gì đi nữa, bản tính nhu nhược nhát gan của Lạc Dịch được bày rõ ràng qua hành động này.

Cách xử lý tình huống với Du Du quá tệ: Du Du là cháu của Ninh Hải, dù thích hay không cũng phải vì Ninh Hải mà suy nghĩ. Hơn nữa, Du Du là một đứa trẻ, mọi lời nói và cử chỉ đều bị người lớn dẫn dắt, hoặc vô tình mô phỏng lại từ người lớn. Ở tình huống này, Du Du là con nít một phần thì Lạc Dịch là con nít 10 phần. Trong một mối quan hệ nghiêm túc, khi có một đứa trẻ thiếu chính chắn góp mặt, thì không sớm hay muộn, mối quan hệ đó sẽ đi vào rối loạn.

Chuyện với Nhã Đình: cho thấy Lạc Dịch là một người bốc đồng, nóng nảy, và thiếu niềm tin lẫn tôn trọng người mình yêu. Tôi không muốn giải thích nhiều hơn, vì bản thân tác giả cũng vạch trần tính cách của nhân vật này trong tác phẩm của mình. Chỉ là, khi đọc đến đoạn này, cảm thấy vô cùng nực cười, kẻ muốn làm anh hùng mà trở thành kẻ xấu trong mối quan hệ của mình, có đáng không? Người lý trí và thông minh sẽ không lựa chọn như Lạc Dịch, tất nhiên, đồng nghĩa với việc, Lạc Dịch không lý trí, cũng chả thông minh.

Bail out bất cứ khi nào thấy không hài lòng: Mỗi lần cãi nhau, hay có xung đột, Lạc Dịch sẽ bỏ đi đầu tiên. Cả chuyện với Du Du, với Nhã Đình, và những chuyện sau này đều cho thấy, đây gần như là thói quen vô cùng tai hại. Ngoài lý do là bốc đồng, thiếu lý trí, tình tiết còn cho thấy Lạc Dịch là người rất kém trong việc giải quyết mâu thuẫn, hay đúng hơn là sợ hãi phải đối mặt với mâu thuẫn. Một người như vậy hiển nhiên sẽ không bao giờ dũng cảm đối mặt với chính khó khăn của mình. Không Bao Giờ.

Ghen đến mức mù quáng: Tình huống với Thạch Dương khiến nhân vật này bị mất điểm đến tệ hại. Xuyên suốt câu chuyện, độc giả cảm nhận ở Ninh Hải sự bao dung và hi sinh bao nhiêu, thì ở Lạc Dịch lại đối lập bấy nhiêu. Bản thân tôi đôi khi cũng tự hỏi, Ninh Hải thích gì ở Lạc Dịch, tại sao lại yêu một người như thế này. Sau này, chính Ninh Hải cũng nói, mình hối hận vì đã yêu Lạc Dịch, nhưng đã lựa chọn, không thể quay đầu. Đáng buồn thay.

Thô bạo và cưỡng ép người mình yêu, dù là tình huống gì cũng không thể tha thứ: Lạc Dịch đến tình huống này trở thành nhân vật bách hợp tôi ghét nhất hiện tại. Hành động không chấp nhận bất cứ sự bào chữa hay biện hộ từ phía một ai. Phải dùng từ của Thạch Dương, là kẻ khốn nạn.

Không dám đối mặt với người nhà: 20 chương truyện, viết nên một chuyện tình đầy nước mắt, và máu. Ấy vậy mà đến cuối cùng, câu chuyện vẫn bỏ ngỏ khi Lạc Dịch còn nghe lời mẹ đi xem mắt, cùng câu nói chạnh lòng của Ninh Hải, “Lạc Dịch, nếu như có người thích hợp, cậu hãy kết hôn đi. Mình không ngại làm người tình, không ngại chia sẻ cậu với người khác. Mình sẽ ở đây, mãi ở đây, chờ khi cậu nhớ đến mình, đến tìm mình, yêu mình. Như vậy mình cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc.” Một lần bị thương, một người tự sát, mà đến cùng vẫn không dũng cảm cùng người mình yêu nói rõ với bố mẹ. Gia cảnh của Ninh Hải mà còn có thể chấp nhận, còn với gia đình của Lạc Dịch lại không hiểu lý lẽ như thế? Thật ra, nếu để ý, người đọc sẽ nhận ra, đến tận chương cuối cùng, Lạc Dịch chưa một lần trực tiếp kể chuyện của mình cho người nhà. Thành ra, câu chuyện của họ chủ yếu được suy đoán kèm suy diễn, chứ chưa chính thức hóa trong mắt bố mẹ Lạc Dịch. Nếu là như vậy, thử hỏi làm sao có thể mà không bị ngăn cản?

Những lý do trên giải thích nguyên nhân Lạc Dịch là nhân vật bị tôi ghét. Song, cái chi tiết khiến tôi cảm thấy nhân vật này đáng ghét hơn cả là lúc nhân vật tự thoại, “Những lúc yếu ớt, tôi thường nghĩ, nếu có thể chết trong vụ tai nạn ấy, phải chăng sẽ không cần chịu giày vò như vậy nữa?” Vô trách nhiệm, cả đến lúc chết. Lạc Dịch đã chứng kiến cũng như được kể lại về tình trạng của Ninh Hải sau “cái chết” của mình, vậy mà vẫn còn có thể nghĩ như thế? Tôi thật không hiểu. Hơn nữa, sự áp lực là vì chuyện người nhà ép đi xem mặt, vậy sao không đối mặt, đem câu chuyện nói rõ tường tận? Từ trước đến nay, câu chuyện của họ chỉ là qua lời kể, hoặc suy đoán của người nhà Lạc Dịch, nếu không tự mình giả thích, làm sao họ có thể hiểu. Hơn nữa, không làm sao biết không được, chưa làm đã thấy áp lực là lý gì?

Tôi ghét nhân vật này. Trong mối tình của Lạc Dịch và Ninh Hải, Ninh Hải gần như là người hi sinh toàn bộ, từ sự nghiệp, công danh, đến tiền bạc, thể xác, tinh thần. Vậy mà đến cùng chính Ninh Hải cũng là người tổn thương nhiều hơn. Song, phần nào đó trong tôi vẫn hi vọng, có thể tác giả lựa chọn kể từ cách nhìn của Lạc Dịch là có lý do riêng, và sự thiên vị rõ ràng trong ngòi bút của Dịch Bạch Thủ khi viết cho Ninh Hải cũng có dụng ý. Vì thế, chỉ hi vọng trong câu chuyện này, sự bi kịch về phía Ninh Hải chỉ là tiểu thuyết hóa, chứ không ở mức độ như ngoài đời. Hoặc giả, Lạc Dịch của ngoài đời đôi khi không đáng ghét như trong câu chuyện, như vậy mới cảm thấy có chút an ủi hơn.