Yêu Người Cô Đơn – Mộ Tuyết Lạc: Ai Mới Thật Sự Là Người Cô Đơn?

Yêu Người Cô Đơn của Mộ Tuyết Lạc là truyện Thực văn (dựa trên một câu chuyện có thật) nên mọi lời nhận xét trong bài viết này sẽ cố gắng hạn chế tối đa nhất những phán xét về lựa chọn của nhân vật đồng thời sẽ phân tích nghiêng về khía cạnh nghệ thuật nhiều hơn.

Sở dĩ tôi chọn phân tích tác phẩm này (dù là một cuốn Thực văn) là bởi vì tác giả viết truyện ở ngôi thứ ba, một lựa chọn ít gặp trong dòng Thực văn hiện đại, nên đã mở ra cơ hội phân tích cho nhiều độc giả, mà không khiến người bình luận như tôi cảm thấy quá áp đặt khi viết nên suy nghĩ của mình. 

Biết bình luận về Thực văn là có tội với tác giả và có lỗi với nhân vật, nhưng nếu không viết sẽ khiến bản thân bị ám ảnh… Thôi thì cứ để dòng cảm xúc một lần nữa lạc trôi.


Yêu Người Cô Đơn của Mộ Tuyết Lạc và Vị Chanh Bạc Hà của Nghiễm Lăng Tán Nhân là hai tác phẩm được tôi đọc gần như cùng khoảng thời gian. Vì thế, trong quá trình viết sẽ không tránh khỏi vô tình đề cập một chút cách lựa chọn của nhân vật cũng như tình tiết của hai tác phẩm. Song vì một bên là Thực văn, một bên là tiểu thuyết nên bài viết sẽ không với mục đích so sánh toàn diện về nội dung hay nghệ thuật của hai tác phẩm này.

Phải nói để đọc hết tác phẩm này là vô cùng khó khăn với tôi. Không phải vì cách viết không thu hút mà vì tôi sợ chứng kiến nổi đau của nhân vật, sợ nhìn thấy một cái kết bi thương cho một câu chuyện đời thật, việc thật. May mắn là, Yêu Người Cô Đơn cuối cùng đã có một cái kết ấm lòng. Và, hơn bao giờ hết, tôi ngưỡng mộ tác giả này, vì chị có thể viết câu chuyện của mình với tâm trạng bình yên đến như thế, với ký ức vẹn nguyên đến từng chi tiết và với một ngòi bút sáng tạo đến vậy.

Ai Là Tác Giả?

Thực văn thường được kể ở ngôi Thứ nhất, và khi đọc, người ta cảm nhận được nội tâm của tác giả trải dài trên từng trang giấy. Yêu Người Cô Đơn không như vậy. Tác phẩm được kể qua lăng kính của một người thứ ba, là một người ngoài cuộc nhưng rất thân thiết và thấu hiểu nhân vật, là người đã lặng lẽ theo dõi diễn biến câu chuyện của họ, để rồi khắc sâu từng chi tiết vào tim mà hồi tưởng lại. Cũng vì dùng ngôi Thứ ba để kể chuyện, Mộ Tuyết Lạc vô tình cho độc giả cái quyền bình luận tác phẩm ở một góc nhìn khác hơn, ở khía cạnh nghệ thuật mà chị đã khôn khéo tạo nên, chứ không đơn thuần là những dòng cảm xúc như trong hồi ký, hoặc những lời bâng quơ như trong lưu bút và nhật ký.

Nghi vấn nhiều nhất về tác giả tập trung ở hai nhân vật: Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ. Cả hai nhân vật này đều được Mộ Tuyết Lạc giới thiệu với nghề tay trái là nhà văn mạng, vì thế vô tình Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ được mặc định là tác giả ngầm của câu chuyện.

Dù ai trong hai nhân vật nữ nhà văn mạng trên là tác giả, họ đều phải có mối quan hệ rất mật thiết không chỉ với riêng từng nhân vật chính mà còn với cả các nhân vật phụ khác. Mặc dù, Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ đều thân thiết với nhau và thân thiết với các nhân vật, Tân Lạc Ngữ có vẻ là người cởi mở và lý trí hơn trong khi Tô Vũ Khởi nhạy cảm và bị động hơn nếu rơi vào bế tắc trong chuyện tình cảm. Điều này khiến cho suy đoán về người viết nghiêng về Tân Lạc Ngữ nhiều hơn.

Khả năng Tân Lạc Ngữ là tác giả cũng được chính Mộ Tuyết Lạc ngầm gợi ý khá nhiều. Thứ nhất, tác giả phủ nhận việc Tô Vũ Khởi là người viết khi ngòi bút của chị về cô là vô cùng trân quý, chứa đầy yêu thương, trong khi chị lại viết về một Tân Lạc Ngữ phảng phất một chút bí ẩn, và có một chút trải lòng khó lý giải. Thứ hai, nhân vật Văn Trân được đặt vào trong bối cảnh câu chuyện trong ký ức riêng của cả hai nhân vật. Song, tác giả không đi sâu vào chi tiết về mối tình của Văn Trân và Tô Vũ Khởi, mà chỉ viết những dòng hồi tưởng bâng quơ. Trong khi với Tân Lạc Ngữ, ngày chia tay Văn Trân được ghi nhớ đến ám ảnh. Có thể lý giải cho tình huống này là, tác giả không muốn viết về mối tình đầu của Tô Vũ Khởi với Văn Trân để làm loãng mạch truyện chính về mối tình với Cố Hàn Yên. Cũng có thể hiểu là, Tân Lạc Ngữ từ chối viết về mối tình của họ vì cô không muốn nhân vật này bị phán xét, và vì cô không muốn đánh mất sự trọn vẹn trong tình cảm cô dành cho nhân vật này.

Cũng có ý kiến phản biện lại rằng, câu chuyện phần lớn là viết về mối tình của Cố Hàn Yên và Tô Vũ Khởi, nếu tác giả không phải Tô Vũ Khởi thì tại sao lại có thể biết một cách chi tiết mà tường tận từng giai đoạn như thế, thậm chí cả lúc gặp và chia tay như thế nào. Cho dù là Tân Lạc Ngữ rất thân với Tô Vũ Khởi đi chăng nữa, thấu hiểu đến cả những giọt nước mắt của Cố Hàn Yên thì có lẽ không đúng lắm.

Cũng có một giả thuyết khác, và thuyết phục hơn, là truyện này có hơn một tác giả. Tất nhiên, người viết sẽ là cả Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ. Cũng bởi lý do này mà tác giả không thể dùng ngôi Thứ nhất để viết, vì trong mạch truyện có hồi tưởng của Tô Vũ Khởi, cũng có ký ức của Tân Lạc Ngữ. Và, cũng vì lý do này mà câu chuyện về 5 người con gái được viết ở nhiều góc nhìn hơn, chứ không chỉ riêng từ phía của một nhân vật nào. Song, với giả thiết này, người phán đoán cũng cho rằng, cái kết trong truyện và cái kết ngoài đời thực hoàn toàn không giống nhau. Bởi, vì là đồng tác giả, nên khả năng Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ đến với nhau là cao hơn.

Một giả thuyết khác cũng được đưa ra, dựa trên giả thuyết trên là, ngoài đời thật không hề tồn tại Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ, mà hai người này thật ra chỉ là một người. Tác giả đã phân thân thành hai nhân vật này, như tạo ra một cơ hội làm người ngoài cuộc sáng suốt cho chính cuộc tình của mình, để có thể nhìn nhận và lựa chọn một lần nữa. Cũng từ giả thiết này, người đọc vô tình hiểu ra, cả nhân vật Quan Tâm Kỳ cũng chỉ là một sự sáng tạo của tác giả để cho câu chuyện có một cái kết đẹp mà thôi.

Cũng không loại trừ khả năng, người viết câu chuyện này là một người thứ ba nào đó, là bạn của Cố Hàn Yên, hay bạn của Tô Vũ Khởi, hoặc là bạn của Tân Lạc Ngữ, thậm chí cũng có thể là Văn Trân, mặc dù giả thiết này hơi khó thành lập.

Có một điểm là, ngay từ chương đầu, Mộ Tuyết Lạc đã giới thiệu thông qua nội tâm của Tô Vũ Khởi, “Có lẽ sẽ có một ngày cô có thể viết được hoàn chỉnh câu chuyện của chính mình, và đó cũng chính là ngày cô sẽ buông bỏ hoàn toàn” (Chương 1, Yêu Người Cô Đơn). Câu chuyện này đã được viết nên, dù là bởi ai đi chăng nữa, thì có một điều khẳng định, người đó đã có thể buông bỏ hoàn toàn, (mặc dù đôi khi sự buông bỏ đó có lẽ cũng không khiến cô vơi đi nổi cô đơn thật sự…).

Mối Tình Của 5 Cô Gái, Ai Mới Thật Sự Là Người Cô Đơn Nhất?

Dù chuyện tình của Cố Hàn Yên và Tô Vũ Khởi là mạch truyện chính nhưng tác phẩm kết thúc lại đưa đến cảm nhận về 5 người con gái (hay 5 người phụ nữ), chứ không chỉ riêng hai nhân vật này. Cả 5 người, ai cũng phải trải qua những cung bậc khác nhau của tình yêu, có hợp có tan, có ký ức, có hoài niệm, và có cả mơ ước; mà, người còn lại trong số họ là người cô đơn nhất, dù cả 5 người ai cũng từng yêu một người cô đơn.

Văn Trân – người cô đơn nhất trong ký ức của các nhân vật. Cô là mối tình đầu của cả hai nhân vật Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ, và cũng là nguồn cảm hứng cho bức họa Chờ đợi của Tân Lạc Ngữ. Kết thúc đoạn tình của mình, Văn Trân trở thành một người vợ, người mẹ nhưng cũng là người phụ nữ vĩnh viễn không thể buông bỏ mối tình đầu. Nhân vật này xuất hiện khá nhiều trong hồi tưởng của Tô Vũ Khởi ở những chương đầu, và là một dấu chấm cuối cùng giải thích cho sự bí ẩn của Tân Lạc Ngữ ở chương cuối. Song, cô chỉ chính thức xuất hiện, và cũng là một lần duy nhất là ở chương 55, cũng là tâm của câu chuyện. Sự sắp đặt này như một lời ngụ ý rằng, đến tận bây giờ, Văn Trân vẫn ở trong tim Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ, dù là ít ỏi như số lần chị hiện diện trong câu chuyện, nhưng vẫn là một ký ức khó quên trong lòng họ. Câu chuyện của Văn Trân không được kể cụ thể, không ai biết tình huống gì đã khiến cô đưa ra lựa chọn kia, không ai hay cuộc sống hiện tại của cô ngoài việc có thêm một đứa con nhỏ là gì? Bởi, tác giả không hề muốn cô bị phán xét, bị oán hận và cũng không muốn cô bị lãng quên. Đến tột cùng, trong câu chuyện của họ, Văn Trân cũng là một người cô đơn, nếu không nói là cô đơn nhất.

Tô Vũ Khởingười cô đơn giữa dòng đời lạc trôi. Cô là mối tình đầu của Văn Trân, cũng là người trải qua hai lần yêu sâu sắc, hai lần tột cùng khổ đau. Tô Vũ Khởi là người cô đơn đầu tiên của truyện, và xuyên suốt tác phẩm, hai từ cô đơn vẫn cứ đeo bám cô cho đến tận chương cuối cùng. Dù là mối tình với Văn Trân hay với Cố Hàn Yên, không ai dám khẳng định Tô Vũ Khởi đau nhiều hơn vì ai, bởi cái đau của mối tình đầu và cái đau của mối tình khắc cốt ghi tâm khó có thể đem là mà so sánh, mà cân đo. Tô Vũ Khởi yêu nhiều và tổn thương cũng nhiều nên cô thừa sự bao dung nhưng cũng thiếu đi cảm giác an toàn. Cũng vì thế mà suốt 4 năm bên cạnh Tân Lạc Ngữ, cô chưa bao giờ thử yêu một lần nữa. Mặc dù vậy, bên cạnh cô luôn có những người bạn, và người thân thiết đồng cảm và bao bọc cho cô. Và, nhất là có cả sự bảo hộ của Tân Lạc Ngữ và sự thương yêu của tác giả trong suốt câu chuyện. Dù tạo cảm giác là người yếu đuối và cần sự che chở, Tô Vũ Khởi thật sự là một người dũng cảm, quyết tuyệt, và đầy vị tha. May mắn thay, trong câu chuyện của mình, cô cuối cùng cũng nhận được một cái kết ấm lòng. Tô Vũ Khởi là một người đáng được yêu thương, đáng được trân trọng và đáng nhận nhiều sự ưu ái của tác giả. Bởi, câu chuyện của cô đã có quá nhiều nước mắt rồi.

Cố Hàn Yênngười cô đơn bất đắc dĩ. Cô là mối tình thứ hai của Tô Vũ Khởi, và có lẽ cũng là mối tình cuối cùng của người con gái này. Cuộc đời của Cố Hàn Yên sẽ không bị vướng vào hai từ cô đơn, nếu cô không tình cờ gặp rồi yêu Tô Vũ Khởi. “Ở đúng thời điểm gặp sai người là bắt đắc dĩ, ở sai thời điểm gặp đúng người là một sự thống khổ” (Lăng Duệ, Liệt hệ Ái Thượng Lão Sư). Cuộc tình của Cố Hàn Yên cũng như câu nói kia, vì nhiều sự bất đắc dĩ trong tình huống, sự lừa dối trong tình thân, và sự trớ trêu trong tình đời nên mới phải trải qua nhiều năm cô đơn đau khổ. Mặc dù là người lý trí nhưng cô lại thiếu sáng suốt, là người tình cảm nhưng cô lại có lúc đa nghi và thiếu kiên định. Sự bế tắc mà cô gặp phải phần nhiều cũng bởi vì sự rối loạn trong phán đoán, để rồi dẫn đến kết quả cuối cùng là tạo tổn thương cho người mình yêu và cho cả chính cô. Song, Cố Hàn Yên có nhiều cái đáng thương hơn là đáng trách. Cô có sự hiếu thảo của một người con, sự hi sinh của một người mẹ, và sự chịu đựng của một người phụ nữ. Cái kết của cô trong truyện chấm dứt chuỗi ngày cô đơn của bản thân và Tô Vũ Khởi, và khiến mọi người thở phào nhẹ nhõm. Và, dù đây là cái kết thật hay chỉ là sự nhân từ của tác giả, nó cũng đã mang đến sự ấm lòng, sự an tâm hơn cho người đọc.

Tân Lạc Ngữ người cô đơn trong những người cô đơn. Cô là người duy nhất trong tác phẩm có mối liên hệ với Văn Trân và Tô Vũ Khởi, dù đến cuối cùng, cả hai nhân vật này đều không biết vai trò của cô trong câu chuyện của họ. Gặp Văn Trân là sự khởi đầu cho chuỗi ngày cô đơn và cũng là nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật của cô. Ngay từ lời giới thiệu đầu tiên, Tân Lạc Ngữ luôn xuất hiện như một người bí ẩn, vì thế vai trò của cô từ đầu đã được xác định là cầu nối bí ẩn cho cuộc tình này. Rất khó lý giải mối quan hệ cũng như tình cảm mà cô dành cho Tô Vũ Khởi; dù vậy, Tân Lạc Ngữ là người bên cạnh cô ấy khi khổ đau, là người bảo hộ, chia sẻ và bầu bạn cùng Tô Vũ Khởi khi cô ấy bị tổn thương, và đơn độc. Tân Lạc Ngữ là một người giàu tình cảm, thông minh và lý trí, là nguồn sống của những người cô đơn, dù bản thân cô cũng rất cô đơn giữa dòng đời này.

Quan Tâm Kỳvì yêu một người cô đơn mà cô đơn. Quan Tâm Kỳ xuất hiện đặt ra câu hỏi về bức ảnh của Tô Vũ Khởi và Văn Trân. Bản thân cô sẽ không bị dính vào cuộc tình của 4 người này, nếu như cô không gặp và yêu Tân Lạc Ngữ. Cô được biết đến là một người vui vẻ, thích náo nhiệt và cũng thích quậy phá, nổi loạn. Dù không được nhắc đến quá nhiều, và nỗi cô đơn của cô chủ yếu được nhấn mạnh ở sự tương tư và chờ đợi, Quan Tâm Kỳ lại là mảnh ghép cuối cùng kết thúc bức tranh cô đơn mà cuộc đời tạo nên cho Tân Lạc Ngữ. Quan Tâm Kỳ là một người thú vị, và hi vọng cô sẽ mang đến hạnh phúc lâu dài cho người chọn cô.

Mối quan hệ của Cố Hàn Yên – Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ làm tôi nhớ đến câu chuyện của Giản Hân Bồi – Tần Hàm Lạc – Mễ Tiểu Nhàn trong Vị Chanh Bạc Hà. Chỉ khác, Tân Lạc Ngữ là một người cô đơn, cô lựa chọn sự an toàn cho bản thân và cho cả người cô trân trọng, nên mối quan hệ của họ không bị vướng vào cuộc tình tay ba, và Tô Vũ Khởi không bị mắc kẹt vì phải lựa chọn giữa hai người. Có lẽ, nếu cuộc tình của Tô Vũ Khởi giống như Tần Hàm Lạc, cô sẽ mãi mãi mang nổi ám ảnh về tình yêu, sẽ vĩnh viễn lựa chọn làm người cô đơn đến cuối đời. May mắn thay, mối tình của ba người này không như tiểu thuyết kia.

Mối quan hệ của Cố Hàn Yên – Tô Vũ Khởi – Văn Trân – Tân Lạc Ngữ – (và) Quan Tâm Kỳ tạo nên một vòng luẩn quẩn trong câu chuyện. Điều thú vị là, không ai trong số họ nhận ra sự luẩn quẩn này, ngoài sự thật, họ đều là những người cô đơn, và từng yêu một người cô đơn. Câu chuyện của họ có nhiều liên quan với nhau, song sự lựa chọn của họ không hề giống nhau, cũng như sự ưu ái mà cuộc đời dành cho họ không công bằng như nhau. Kết thúc câu chuyện này, mỗi người đều để lại một dư vị riêng cho chính họ và cho cả người đọc. Còn câu trả lời về người cô đơn nhất hẳn sẽ chỉ riêng mỗi chúng ta tự cảm nhận mà thôi.

Nghệ Thuật Phục Bút – Họa Long Điểm Nhãn.

Nghệ thuật phục bút là gì?

Trong dòng văn học cổ Việt Nam, nhiều người hẳn đã quá quen thuộc với kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Cụ Tố Như là nhà thơ Việt Nam tiêu biểu với nghệ thuật tu từ họa long điểm nhãn, vẽ mây nẩy trăng, hay còn được gọi là phục bút. Hiểu như chính tên gọi, đây là biện pháp nghệ thuật với mục đích gợi ý cho người đọc tình huống truyện ở những chương tiếp, như một lời tiên tri cho số phận của nhân vật trong tác phẩm.

Ví dụ, trong Truyện Kiều, đoạn Kiều được Mã Giám Sinh đưa đi, cụ Tố Như viết,

       Đoạn trường thay! Khúc phân kỳ
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.

Nhờ hai câu thơ này, độc giả có thể dự đoán được, cuộc đời của Vương Thúy Kiều sau này sẽ là một chuỗi ngày long đong lận đận, như chính cái nhịp thơ trúc trắc trục trặc kia.

Cách Mộ Tuyết Lạc sử dụng nghệ thuật phục bút và các hình ảnh ẩn dụ trong tác phẩm

Trong tác phẩm Yêu Người Cô Đơn, Mộ Tuyết Lạc phục bút khá nhiều. Gần như ở mỗi chương truyện, chị đều đưa ra dự đoán cho tình huống tiếp theo trong cuộc tình của các nhân vật. Đặc biệt, tác giả đưa ra các hình ảnh ẩn dụ ngày từ những chương đầu và lặp đi lặp lại nhiều lần để nhấn mạnh vai trò của những hình ảnh này đối với tình huống truyện.

Lần gặp gỡ đầu tiên của Cố Hàn Yên và Tô Vũ Khởi là trong một cơn mưa (Chương 1), chiếc dù là vật gắn kết mối quan hệ của họ. Ngoài ra, chiếc dù đó còn có hàm ý che chở, bao bọc mà Tô Vũ Khởi đến cuối cùng chính là người bao dung, bảo hộ cho Cố Hàn Yên, như hình ảnh ban đầu, cô trao cho Cố Hàn Yên chiếc dù đó.

Trò chơi “đuổi bắt” của Cố Hàn Yên và Tô Vũ Khởi tưởng chừng chỉ là câu trả lời xiên xẹo của Tô Vũ Khởi, “Chị đuổi theo em, nên em mới chạy” (Chương 12). Kỳ thật, trong cuộc tình của họ sau này, Tô Vũ Khởi và Cố Hàn Yên đã phải chơi trò “đuổi bắt” này ít nhất hai lần nữa.

Sự gặp gỡ tình cờ của Cố Hàn Yên và Tân Lạc Ngữ là một lần va chạm trên đường (Chương 31). Họ chạm nhau nhưng không quen nhau. Cố Hàn Yên tìm thấy cảm giác quen thuộc từ Tân Lạc Ngữ vì cô cảm nhận hình ảnh của Tô Vũ Khởi trong cô bé, một sự cô đơn không thể lý giải, dù tại thời điểm đó cô không hề nhận ra điều này. Cố Hàn Yên càng không hề biết rằng sự va chạm đó dự báo một vai trò quan trọng của cô bé cho sự hàn gắn mối quan hệ của cô và Tô Vũ Khởi sau này.

Hạnh phúc của Cố Hàn Yên và Tô Vũ Khởi luôn được dự báo bởi rất nhiều giấc mơ khác nhau. Trong số đó, có lẽ lần gặp Văn Trân để lại giấc mơ kia là ám ảnh lớn với Tô Vũ Khởi (Chương 55). Đó là dự báo một nỗi đau khác, một nỗi đau kéo dài hơn, dai dẳng hơn cho mối tình của họ.

Tô Vũ Khởi gặp lại Văn Trân ở khu vui chơi, nơi có chiếc xích đu màu cam (Chương 55), là nơi kỷ niệm được chụp trong bức ảnh mà Tân Lạc Ngữ có được (Chương 61). Bức ảnh này có lẽ là sự kết nối quan trọng nhất trong mối quan hệ của 5 người con gái. Đây là kỷ vật duy nhất mà Tân Lạc Ngữ có được từ Văn Trân. Nhờ có tấm ảnh mà Tân Lạc Ngữ nhận ra được Tô Vũ Khởi trong cuộc triển lãm. Cũng vì bức ảnh mà gây nên sự hiểu lầm thú vị giữa Quan Tâm Kỳ và cặp đôi Tô Vũ Khởi – Cố Hàn Yên. Đến cuối cùng, bức ảnh lại là lời hẹn ước mà Tân Lạc Ngữ để lại cho Quan Tâm Kỳ, đánh dấu sự kết thúc của câu chuyện giữa 5 người bọn họ. Tuy nhiên, có một sự mỉa mai cay đắng là, dù vai trò của tấm ảnh như thế nào, thì hai người con gái trong tấm ảnh sẽ mãi không có được nụ cười hạnh phúc bên nhau như vậy một lần nữa. Khoảnh khắc đẹp nhất của họ được người khác lưu giữ. Cô gái giữ tấm ảnh nhờ nó mà tìm và bảo hộ được người phụ nữ mà người cô yêu không thể buông bỏ, cũng nhờ nó mà lưu lại cho bản thân một bến đỗ. Nhưng riêng hai người trong tấm ảnh thì mãi xa cách và người còn lại mãi là một người cô đơn.

Sự gặp gỡ của Tô Vũ Khởi và bé An An (con gái Cố Hàn Yên) là nhờ một con gấu nhỏ (Chương 89). Tô Vũ Khởi từ đó được mang tên ‘Cô gấu nhỏ’ của cô bé. Sự gặp gỡ này dự báo cho tương lai của hai người, cũng trong mối quan hệ với Cố Hàn Yên, mà bé An An tình cờ là cầu nối cho sự gặp lại của họ.

Trong số các hình ảnh ẩn dụ được Mộ Tuyết Lạc dùng cho nghệ thuật phục bút, bức tranh Chờ đợi là một hình ảnh ẩn dụ lớn nhất của tác phẩm. Toàn bộ câu chuyện này chính là bức tranh Chờ đợi lớn, mà Mộ Tuyết Lạc là họa sĩ vẽ nên bức tranh này. Số phận của từng nhân vật trong truyện đều phải trải qua chữ Chờ. Có người chờ để hạnh phúc, có người chờ để thổ lộ, có người chờ để buông bỏ, có người chờ để lãng quên, cũng có người chờ trong vô vọng để mãi lẻ loi một mình. Văn Trân chờ đợi, chờ một ngày Tô Vũ Khởi buông tay, để cô có thể nói thật lòng mình với cô ấy. Cô là bức tranh người cô đơn đầu tiên, cũng là người cô đơn không thể quay đầu lại. Tô Vũ Khởi vốn ban đầu đã sinh ra để chờ đợi, để cô đơn. Bản thân cô vì hai từ này mà đau khổ. Bức tranh của cô có lẽ có nhiều màu sắc hơn của Văn Trân, nhưng cũng rất chạnh lòng người. Cố Hàn Yên và bức tranh cuộc đời của cô ban đầu rất nhiều màu sắc, nhưng là sắc hoang mang, sắc mơ hồ. Xuân sắc từ cuộc tình với Tô Vũ Khởi khiến nó đẹp và hoàn mỹ. Chỉ là, không rực rỡ như bản thân cô ban đầu. Màu sắc nhất trong toàn bộ có lẽ là bức tranh của Quan Tâm Kỳ. Tuy nhiên, điểm xuyến trong sắc rực rỡ đó cũng có cái tối của không gian và cái ảm đạm của thời gian. Tân Lạc Ngữ đóng vai trò là người họa sĩ. Cô vẽ lại toàn bộ những bức tranh kia. Từ cây cọ của cô, mọi màu sắc từ đó mà nhảy múa tạo hình. Đẹp mà cô đơn. Hình ảnh của Tân Lạc Ngữ cầm cây cọ gợi tôi nhớ đến một bài thơ của tác giả Bình Nguyên Trang.

Gửi em nhánh cỏ hình chiếc bút lông
Em hãy làm họa sĩ
Núi sẽ vì em mà hùng vĩ
Chiều sẽ vì em mà xanh lên

Sứ mệnh của Tân Lạc Ngữ trong mối tình của 5 người này cũng đẹp như cô bé họa sĩ trong bài thơ kia của Bình Nguyên Trang. Song, khác với cô bé, Tân Lạc Ngữ là một họa sĩ cô đơn. Cô sáng tác từ nguồn cảm hứng của sự cô đơn, và cô cũng vì sự cô đơn mà tồn tại. Có lẽ, người cầm cây cọ trong câu chuyện cũng chính là người cô đơn nhất.

Và, toàn bộ những bức tranh Tân Lạc Ngữ vẽ nằm trong bộ tranh của tác giả Mộ Tuyết Lạc, bởi cô là người họa sĩ trong bức tranh của người họa sĩ. Chữ ‘Lạc’ trong tên của tác giả không biết có phải là chữ ‘Lạc’ trong tên Tân Lạc Ngữ hay không, nhưng họ đã phối hợp với nhau mà vẽ nên những bức tranh đầy màu sắc, đầy ám ảnh và cũng đầy nghệ thuật.

Nghi ngờ tính chân thật của câu chuyện

Cũng vì Mộ Tuyết Lạc sử dụng nghệ thuật phục bút quá nhiều trong tác phẩm, nhiều bạn đọc đã cho rằng truyện này chỉ có 80% là Thực văn, phần còn lại là sự sáng tạo của tác giả. Thứ nhất, ở ngoài đời không thể có nhiều sự trùng hợp đến vậy. Mà dù có đi nữa, cũng sẽ là một hướng khác, chứ không phải chỉ luôn tập trung vào một câu chuyện như thế này. Thứ hai, tạo ra hai nhân vật Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ như tạo ra một phiên bản tình cảm, và phiên bản lý trí của cùng một người. Cũng vì có sự xuất hiện của những nhân vật vốn không có trong câu chuyện mà những trùng hợp vô tình kia được hiểu là dàn dựng nên để nhân vật mở nút thắt của câu chuyện, chứ không hoàn toàn có thật. Cuối cùng, cái kết của câu chuyện dù rất ấm lòng người đọc, nhưng hoàn toàn không phải là cái kết thật ngoài đời. Tác giả viết câu chuyện chỉ là viết để bản thân có thể nhìn lại cuộc tình của mình, để cho chính tác giả cơ hội chọn lựa mà chị không có được trong cuộc sống thật mà thôi.

Tuy nhiên, dù là câu chuyện này có bao nhiêu phần là thật, bao nhiêu phần là hư cấu, chúng ta phải thừa nhận rằng ngòi bút của Mộ Tuyết Lạc rất thu hút và khôn khéo. Để có thể khiến độc giả đắm mình trong dòng ký ức của chị mà bình luận, có thể khẳng định, đây là một cây bút tài năng và đầy hứa hẹn. Hơn thế nữa, có nhiều nhân vật trong câu chuyện của chị bước ra đời thật hiện hữu và day dứt lòng người. Biết bao Văn Trân ngoài kia hẳn còn cô đơn hơn cả Văn Trân của Mộ Tuyết Lạc. Biết bao Tô Vũ Khởi và Tân Lạc Ngữ đời thật hẳn bị tình yêu ám ảnh nhiều hơn cả trong truyện. Và, có lẽ bi kịch như cuộc sống của Cố Hàn Yên chỉ là một ví dụ nhỏ cho những bi kịch đáng sợ ngoài kia mà thôi.

Bình Và Luận

Trong tác phẩm, ngoài những yếu tố nghệ thuật và cách xây dựng cốt truyện tỉ mỉ, chọn lọc, Yêu Người Cô Đơn còn phản ánh một vấn đề xã hội phổ biến ở Trung Quốc lúc bấy giờ, và là vấn đề hiện tại mà bất cứ xã hội nào cũng gặp phải: Tình trạng hôn nhân ép buộc, và quan điểm chống đối quan hệ và hôn nhân đồng tính.

Câu chuyện tình yêu và hôn nhân này gần như luôn là một đề tài muôn thuở từ xưa đến này, mà xã hội châu Á nói chung, và xã hội Trung Quốc nói riêng chưa bao giờ có sự khoan dung đối với vấn đề này. Ở trong câu chuyện, ta bắt gặp nhân vật Hàn Tuệ (mẹ của Cố Hàn Yên), là nguyên mẫu điển hình gây nên cản trở cho mối tình của hai bạn trẻ. Ngoài ra, nhân vật Trần Sâm, một nam phụ đê tiện, mưu mô và phụ bạc cũng là một hình mẫu khác gây nên sự bất hạnh cho các cặp đôi. Mặc dù, những người như hai nhân vật này không phải là những người độc ác, nhưng suy nghĩ và hành động của họ là con dao giết chết không biết bao nhiêu người, chôn vùi không biết bao nhiêu hạnh phúc lứa đôi. Trong tiểu thuyết, có thể họ chỉ dừng lại ở mức độ như thế, nhưng ngoài đời, những con người đó có lẽ còn có những hành động đáng sợ hơn tưởng tượng của chúng ta nhiều. Nhân vật Trần Sâm là người không có gì để biện hộ, ngoài hai từ vô sỉ. Hàn Tuệ, một người vợ, một người mẹ, và một người bà, càng không thể được độc giả tha thứ, dù đã là nhiều năm.

Ở đây, ngoài sự phán xét đặt ra cho những nhân vật trên, xã hội Trung Quốc thời điểm bấy giờ cũng là một tội nhân. Ích kỷ, hào nhoáng, áp đặt và trọng nam khinh nữ. Đến bây giờ chúng ta vẫn còn nhìn thấy những nét tính cách này trong lòng xã hội đó, dù theo thời gian đã chuyển biến và thay đổi đôi chút.

Và Cũng Là Mong Ước

Dù không chỉ một lần, nhưng cái mơ ước về một hạnh phúc không ràng buộc, ấm no không gánh nặng có lẽ vẫn tồn tại như thế. Câu chuyện trong Yêu Người Cô Đơn khiến nhiều người cảm thấy may mắn vì số phận của họ không bị vướng vào sự trớ trêu kia. Tuy nhiên, ngoài kia vẫn còn không ít những câu chuyện như thế, và đến khi gặp phải, liệu có bao nhiêu người thật sự đủ bao dung, thật sự đủ dũng cảm?

Có thể hiện tại, chúng ta không thể mơ ước một xã hội hoàn toàn triệt tiêu những bất hạnh, nhưng ít ra chúng ta có thể mong ước rằng, bé An An (con gái của Cố Hàn Yên) và con trai của Văn Trân sẽ được lớn lên trong một môi trường tốt hơn; chúng ta có thể hi vọng rằng những người phụ nữ trong câu chuyện sẽ dạy cho con cháu của các cô cách yêu sáng suốt, cách cho và đón nhận chân thành, và cách lựa chọn dũng cảm, và có dũng khí đương đầu với những trở lực gây tổn hại đến hạnh phúc của mình. Ít ra, đó là một điều có thể mong đợi.

Cuối cùng, hi vọng những ai yêu nhau sẽ được đến với nhau. Và, biết đâu trong tương lai không xa, sẽ có một bài Thực văn khác do chính con cháu của các nhân vật này viết nên, kể về hồi kết của họ thì sao. Cười*

Đột nhiên nhớ đến bài hát này. Hợp với tâm trạng của nhân vật và một số độc giả chăng?

Published by

One thought on “Yêu Người Cô Đơn – Mộ Tuyết Lạc: Ai Mới Thật Sự Là Người Cô Đơn?”

  1. Tình cờ đọc được bài viết của bạn sau khi đọc xong câu chuyện này, cảm ơn những điều phân tích cũng như cảm nhận của bạn đã làm mình nhìn nhận ra thêm nhiều điều tác giả đã gửi gắm, những chi tiết ẩn dụ mà mình không kịp nhận ra
    Một câu chuyện hay cũng trở nên hay hơn khi có 1 người cảm nhận nó một cách kĩ càng và sâu sắc

    Liked by 1 person

Leave a comment